Giáo viên chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Đăng lúc: 12:33:05 05/06/2020 (GMT+7)

Chương trình và sách giáo khoa mới.

Giáo viên chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

 

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được bắt đầu thực hiện ở lớp 1 vào năm học 2020-2021. Thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới không còn nhiều nữa.

Sự khác nhau giữa chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới với chương trình, sách giáo khoa hiện hành như thế nào là điều mà giáo viên cần phải nắm một cách tường tận để không gặp bỡ ngỡ khi thực hiện. Xin chia sẻ cùng quý thầy cô và bạn đọc một vài điểm sau :

1. Chương trình và sách giáo khoa mới.

Đối với chương trình hiện hành thì giáo viên chỉ cần sách giáo khoa là có thể dạy và kiến thức cơ bản, nội dung kiểm tra, đánh giá của học sinh đều nằm trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, đối với chương trình giáo dục phổ thông mới thì sách giáo khoa không là “pháp lệnh” nữa mà Chương trình mới là điều thầy cô giáo phải chú trọng. Nội dung kiến thức dạy, học nằm trong chương trình môn học.

Nội dung sách giáo khoa chỉ là một kênh tham khảo cho giáo viên và học sinh. Chính vì sự thay đổi này sẽ khiến cho nhiều giáo viên sẽ gặp khó khăn bởi chúng ta đã quá quen với những cuốn sách giáo khoa khi giảng dạy trên lớp.

2. Giáo viên cần trang bị những gì?

Để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới thì thời gian qua, ngành giáo dục đã có những chuẩn bị như tập huấn một số chuyên đề cho giáo viên cơ sở, thời gian tới đây giáo viên tiếp tục được tập huấn, bồi dưỡng nhiều chuyên đề nữa. Việc tập huấn cả trực tiếp và cả tập huấn qua mạng Internet. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì việc tập huấn cho giáo viên hiện nay chưa triển khai được nhiều và chưa thực sự hiệu quả. Chính vì thế, ngoài việc được bồi dưỡng, tập huấn thì giáo viên cần phải chủ động chuẩn bị cho mình nền tảng kiến thức và tâm thế cho việc đổi mới tới đây. Theo tôi, giáo viên cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất: Mỗi giáo viên cần chủ động đọc, tìm hiểu một cách thấu đáo chương trình môn học, nhất là đối với môn học của mình sẽ giảng dạy, bởi đó là nội dung cơ bản nhất mà mình sẽ thực hiện trong giảng dạy.

Thứ hai: Mỗi giáo viên phải luôn xác định động lực để đổi mới và thúc đẩy việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới thành công. Muốn vậy, mỗi giáo viên phải thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn của mình. Làm chủ được kiến thức môn học mà mình sẽ dạy, nhất là đối với những môn học tích hợp.

Thứ ba: Trong mỗi đợt tập huấn tới đây, giáo viên cần chủ động lĩnh hội, học hỏi những cái mới. Những gì chưa thấu đáo cần mạnh dạn trao đổi, chia sẻ. Ngoài ra, cần thường xuyên cập nhật những thông tin, những bài bồi dưỡng trên các website của Bộ, của Sở và các trang chuyên đề của ngành để trang bị kiến thức cho mình.

Có lẽ, thời điểm này, điều giáo viên cần hướng tới là việc tranh thủ cập nhật những thay đổi của ngành. Thời gian còn lại không nhiều nếu thầy cô bị động sẽ dẫn đến thụ động và chắc chắn sẽ rất khó khi tiếp cận và thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới trong thời gian tới đây.

Những khó khăn khi thực hiện chương trình mới chắc chắn sẽ còn rất nhiều và lộ trình áp dụng chương trình mới thì đã cận kề. Vì thế, sự chủ động của giáo viên từ bây giờ là là rất cần thiết để sau này đỡ vất vả cho bản thân mỗi người thầy và cũng là cách góp phần cho việc đổi mới của ngành giáo dục thành công trong những năm tới.

HIỆU TRƯỞNG                           

Nguyễn Bá Đồng

 

Từ khóa bài viết:

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
9518